Công tử Bạc Liêu do Lý Minh Thắng đạo diễn, lấy bối cảnh xứ Nam kỳ, tập trung tại Bạc Liêu và Sài Gòn những năm 1930. Bên cạnh phần cảnh trí, yếu tố phục trang của các diễn viên trong phim được quan tâm.
Sau buổi công chiếu, nhiều ý kiến tranh luận về trang phục. Một số người nhận định áo dài các nhân vật diện trên phim màu mè, cách điệu không phù hợp, tạo cảm giác như “lẩu thập cẩm”.
Trang phục của hoa hậu Đoàn Thiên Ân trên phim.
Phản hồi về tranh cãi, đạo diễn Lý Minh Thắng lý giải đoàn phim dành nhiều thời gian nghiên cứu các dữ liệu liên quan tới trang phục của Nam Kỳ lục tỉnh những năm 1920 – 1930. Theo anh, điều ê-kíp mong mỏi là tinh thần thời trang trong phim tiệm cận với khán giả trẻ.
“Chúng tôi muốn khán giả khi ra rạp xem phim, họ không chỉ chiêm ngưỡng lại các giá trị xưa, mà còn có cảm giác đang trải qua không gian đó. Do đó, tỷ lệ nghiên cứu và sáng tạo trang phục đã được ê-kíp cân đối“, anh nói.
Lý Minh Thắng quan niệm một bộ phim khi ra rạp sẽ thuộc về khán giả. Do đó, các ý kiến khen chê anh xin lắng nghe, xem đó là tư liệu để rút kinh nghiệm cho các dự án sau.
Giám đốc sản xuất phim – Nhà thiết kế Thủy Nguyễn từng thực hiện trang phục cho dự án Cô ba Sài Gòn và các phim điện ảnh khác.
Các nhân vật nữ trên phim diện áo dài Lemur.
Theo chị, với bối cảnh phim diễn ra vào thập niên 1930, thời kỳ áo dài Lemur nổi lên như một biểu tượng thời trang, phim Công tử Bạc Liêu phải dung hòa giữa việc giữ gìn bản sắc truyền thống và áp dụng các yếu tố hiện đại để phù hợp với khung hình điện ảnh.